Kế toán Hà Nội xin tổng hợp các thắc mắc và giải đáp về chế độ thai sản 2015 mới nhất. Mời các bạn theo dõi. Cần thông tin thêm các bạn gửi email vào địa chỉ: kthngiaidap@gmail.com.

che-do-thai-san

1. Chế độ thai sản khi nhận con nuôi

Hỏi: Dì tôi là giáo viên mầm non, công tác trên 10 năm. Mới đây, dì tôi xin con nuôi. Người mẹ không có điều kiện nuôi con nên đã cho dì.

Thủ tục xuất viện, giấy chứng sinh đều mang tên của dì tôi. Sau đó, dì tôi làm đơn xin nghỉ hộ sản kèm theo giấy xuất viện, giấy chứng sinh nhưng hiệu trưởng nhà trường không giải quyết. Cô ấy cho rằng, dì xin con nuôi chứ không phải tự sinh con nên không chấp nhận đơn xin nghỉ hộ sản và giấy tờ kèm theo (giấy chứng sinh, xuất viện mang tên dì của tôi). Vậy, cho tôi hỏi:

+ Thứ nhất: Dì tôi làm như vậy có đúng luật không? Nếu làm như vậy là đúng thì căn cứ vào đâu để giải thích, trình bày cho hiệu trưởng hiểu để được nghỉ hộ sản như chế độ hiện hành.

+ Thứ 2: Nếu không được thì phải làm thủ tục như thế nào cho hợp lệ để được nghỉ và hưởng chế độ thai sản theo quy định hiện hành?

Xin chân thành cảm ơn. (Thảo)

Trả lời

Trước hết, nếu dì của bạn muốn nhận nuôi con nuôi thì dì của bạn phải thực hiện thủ tục đăng ký việc nuôi con nuôi tại UBND cấp xã theo quy định tại Điều 22 Luật Nuôi con nuôi và Điều 10 Nghị định 19/2011/NĐ-CP ngày 21/3/2011 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Nuôi con nuôi.

Theo nội dung bạn trình bày thì đứa trẻ được dì nhận nuôi là trẻ sơ sinh và dì của bạn là người đang tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc. Sau khi làm thủ tục đăng ký việc nuôi con nuôi nói trên, dì bạn đủ điều kiện hưởng chế độ thai sản theo Điều 28 Luật BHXH, được quy định cụ thể tại Điều 14 Nghị định số152/2006/NĐ-CP ngày 22/12/2006 của Chính phủ như sau: Lao động nữ sinh con và người lao động nhận nuôi con nuôi dưới 4 tháng tuổi phải đóng BHXH từ đủ 6 tháng trở lên trong thời gian 12 tháng trước khi sinh con hoặc nhận nuôi con nuôi.

Theo quy định tại Điều 159 Bộ luật Lao động năm 2012 thì thời gian nghỉ việc khi khám thai, sẩy thai, nạo, hút thai, thai chết lưu, phá thai bệnh lý, thực hiện các biện pháp tránh thai, chăm sóc con dưới 7 tuổi ốm đau, nuôi con nuôi dưới 6 tháng tuổi, lao động nữ được hưởng trợ cấp bảo hiểm xã hội theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội.

Như vậy, dì của bạn nhận nuôi con nuôi dưới 6 tháng tuổi được nghỉ việc hưởng chế độ thai sản cho đến khi con đủ 6 tháng tuổi với mức hưởng bằng 100% mức bình quân tiền lương, tiền công tháng đóng BHXH của 6 tháng liền kề trước khi nghỉ việc. Ngoài ra, dì của bạn còn được trợ cấp một lần bằng hai tháng lương tối thiểu chung cho mỗi con nhận nuôi (theo quy định tại Điều 32, 34, 35 Luật BHXH).

Hồ sơ hưởng chế độ thai sản đối với người nhận nuôi con nuôi (theo quy định tại Điều 113 Luật BHXH) bao gồm:

1. Sổ bảo hiểm xã hội.

2. Bản sao giấy chứng sinh hoặc bản sao giấy khai sinh của con

Trường hợp lao động nữ nhận nuôi con nuôi dưới bốn tháng tuổi phải có chứng nhận theo quy định của pháp luật.

3. Xác nhận của người sử dụng lao động về điều kiện làm việc đối với người lao động làm nghề hoặc công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm; làm việc theo chế độ ba ca; làm việc thường xuyên ở nơi có phụ cấp khu vực hệ số từ 0,7 trở lên hoặc xác nhận của người sử dụng lao động đối với lao động nữ là người tàn tật.

4. Danh sách người hưởng chế độ thai sản do người sử dụng lao động lập.

Chuyên viên pháp lý Phương Mai – Bộ Tư pháp

>> Xem thêm: Chế độ thai sản năm 2015 mới nhất

2. Chế độ thai sản mua bảo hiểm sau khi cấn bầu

Hỏi:

Tôi đang mang thai 7 tuần, dự kiến sinh ngày 25/11/2015. Nếu bây giờ tôi mới mua bảo hiểm xã hội thì có được hưởng chế độ thai sản không?

Nếu không, tôi nên chọn mua bảo hiểm hay hình thức nào để khi sinh con có thể an tâm về mặt kinh tế cũng như rủi ro. Tôi xin chân thành cảm ơn. (Ngọc Thúy)

Trả lời: 

Theo thông tin của bạn, có thể hiểu bạn chưa từng tham gia đóng bảo hiểm xã hội. Nay bạn mong muốn mua bảo hiểm xã hội để được hưởng chế độ thai sản. Tuy nhiên, Luật bảo hiểm xã hội quy định về loại hình bảo hiểm xã hội tự nguyện chỉ bao gồm hai chế độ: hưu trí và tử tuất.

Do đó, để được chi trả các chi phí như khám thai định kỳ, sinh con, bạn có thể mua bảo hiểm y tế tự nguyện (theo quy định tại Khoản 1 Điều 21 Luật Bảo hiểm y tế về phạm vi được hưởng của người tham gia bảo hiểm y tế). Tùy thuộc vào việc bạn thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm y tế nào (quy định tại Điều 12) mà phải đóng mức đóng bảo hiểm y tế (quy định tại Điều 13) cũng như được hưởng mức bảo hiểm y tế (quy định tại Điều 22) tương ứng.

Chuyên viên pháp lý Phương Mai – Bộ Tư pháp

3. Chế độ thai sản khi đã thôi việc

Hỏi:

Tôi bị công ty cho nghỉ vì vi phạm quy định công ty sinh con trước thời hạn cam kết 3 năm. Vậy xin hỏi tôi có được hưởng bảo hiểm thai sản không ạ?

Tôi dự sinh cháu vào cuối tháng 10 hoặc đầu tháng 11/2014. Tổng thời gian tôi đóng bảo hiểm được 2 năm 9 tháng, tuy nhiên cơ quan tôi mới chuyển qua chỉ đóng bảo hiểm cho tôi bắt đầu từ tháng 5/2013. Ngày 2/5/2014, tôi bị cơ quan này cho nghỉ vì vi phạm quy định công ty sinh con trước thời hạn cam kết 3 năm. Vậy xin hỏi tôi có được hưởng bảo hiểm thai sản không ạ? Các thủ tục giấy tờ để hưởng chế độ thai sản. (Lan)

Trả lời:

Điều 28 Luật BHXH quy định về điều kiện hưởng chế độ thai sản như sau:

1. Người lao động được hưởng chế độ thai sản khi thuộc một trong các trường hợp sau đây:

a) Lao động nữ mang thai;

b) Lao động nữ sinh con;

c) Người lao động nhận nuôi con nuôi dưới bốn tháng tuổi;

d) Người lao động đặt vòng tránh thai, thực hiện các biện pháp triệt sản.

2. Người lao động quy định tại điểm b và điểm c khoản 1 Điều này phải đóng bảo hiểm xã hội từ đủ sáu tháng trở lên trong thời gian mười hai tháng trước khi sinh con hoặc nhận nuôi con nuôi.  

Đối với trường hợp của bạn, thời gian 12 tháng trước khi sinh con được tính từ tháng 11/2013 đến tháng 10/2014. Trong đó, thời gian bạn đóng bảo hiểm xã hội từ tháng 5/2013 đến tháng 4/2014 là 06 tháng. Như vậy, bạn đủ điều kiện để được hưởng chế độ thai sản.

Hồ sơ hưởng chế độ thai sản khi sinh con của người lao động không còn quan hệ lao động (quy định tại Điều 53 Nghị định số 152/2006/NĐ-CP hướng dẫn một số điều của Luật BHXH về bảo hiểm xã hội bắt buộc) gồm có:

a)     Sổ BHXH;

b)    Bản sao Giấy chứng sinh hoặc bản sao Giấy khai sinh của con.

Bạn mang hồ sơ này đến nộp tại cơ quan bảo hiểm xã hội quận, huyện nơi bạn đang cư trú.

Chuyên viên pháp lý Mai Phương – Bộ Tư pháp

Nguồn: Vnexpress.net